28/05/2025 14:04 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 28/5, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ Trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 – 2025.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025
Dự buổi lễ có Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN; TS Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc TTXVN; ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí; nhà báo Nguyễn Thiện Thuật, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo; Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo; Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Đại sứ Truyền cảm hứng của Giải thưởng… cùng đông đảo các tác giả, các văn nghệ sĩ và các cháu thiếu nhi Thủ đô.
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu bế mạc Lễ trao Giải thưởng
- Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã tìm được tác giả xứng đáng để "phong tặng" Hiệp sĩ Dế Mèn, nối tiếp những tên tuổi xuất sắc như Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), Lý Lan (2024). Đáng nói, sau các tác giả văn học, lần đầu tiên giải thưởng có Hiệp sĩ Dế Mèn là một nhạc sĩ. Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái
Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là phần thưởng cao quý nhất, được xét "phong tặng" cho tác giả có những cống hiến to lớn cho thiếu nhi trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình; đồng thời có tác phẩm xuất sắc, lọt vào vòng chung khảo của năm xét giải.
Trong hơn 700 ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành riêng hơn 200 bài viết cho thiếu nhi. Những ca khúc như Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên đoàn viên… đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ. Thế nhưng, ít ai biết rằng ông còn có một "kho báu" đặc biệt: 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, ẩn chứa vẻ đẹp hồn hậu và gần gũi của cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa dân gian Việt Nam. Lần đầu tiên, sau bao năm nằm im trong cuốn sổ nhạc, "kho báu" ấy đã được giới thiệu qua dự án sách Khúc đồng dao của bé mà chính con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - là người kể chuyện! Khúc đồng dao của bé là bộ sách gồm 5 tập, trong đó Về quê - Khúc đồng dao của bé là tập đầu tiên đã được xuất bản. Trong số 41 bài đồng dao được công bố theo dự án này chỉ có 5 bài: Rềnh rềnh ràng ràng, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Bầu và Bí, Con chim chích chòe đã từng có bản thu. 36 bài còn lại, trong đó có nhiều khúc đồng dao quen thuộc như Mau mau tỉnh dậy, Thương con ba ba, Cái cò đi đón cơn mưa, Cái bống… lần đầu tiên được thu âm.
Không dừng lại ở việc "giới thiệu bài hát", Về quê - Khúc đồng dao của bé của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến chọn hình thức sách đa phương tiện, kết hợp giữa kể chuyện, âm nhạc, minh họa và mã QR để nghe nhạc, nghe kể chuyện - tạo thành trải nghiệm liên hoàn cho trẻ nhỏ. Mỗi tập sách trong bộ Khúc đồng dao của bé vì thế là một nỗ lực thầm lặng và kiên trì để giữ gìn hồn Việt Nam, qua những nét vẽ minh họa tươi sáng, những câu chuyện giản dị và những bài hát ngọt ngào. Mỗi bài hát đồng dao không chỉ là phần nhạc, là câu chuyện, mà còn là trò chơi, qua đó giúp bài hát trở nên sống động.
Với những dấu ấn của dự án sách Khúc đồng dao của bé, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Hội đồng Giám khảo xem xét đến toàn bộ sự nghiệp để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ kéo dài hơn nửa thế kỷ, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm ở nhiều thể loại, đặc biệt nổi bật với các ca khúc dành cho thiếu nhi. Với phong cách âm nhạc trong sáng, dễ nhớ, gần gũi với đời sống và tâm hồn trẻ thơ, các ca khúc của ông như Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Trường cháu là trường mầm non, Chú voi con ở Bản Đôn, Tiến lên đoàn viên… đã trở thành những ca khúc thiếu nhi kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, sống mãi trong ký ức của biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Trong sự nghiệp, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết trên 200 ca khúc dành cho thiếu nhi, một con số kỷ lục mà hiếm nhạc sĩ nào có thể sánh được. Đặc biệt, vào năm 2013, ông đã xác lập kỷ lục "Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, là một minh chứng. Không chỉ là tác giả của hàng trăm bài hát thiếu nhi được yêu thích, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là người có công trong việc hình thành và phát triển nền tảng âm nhạc dành cho trẻ em sau năm 1975. Âm nhạc của ông vừa mang tính giáo dục nhẹ nhàng, vừa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng những giai điệu đẹp, giàu chất truyền thống. Với những đóng góp bền bỉ và nhất quán, ông được xem là "người nhạc sĩ của tuổi thơ", là biểu tượng hiếm có của dòng nhạc thiếu nhi Việt Nam suốt nhiều thập kỷ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: "Nhạc sĩ Phạm Tuyên là một nhạc sĩ lớn. Ông là một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam.L, xòe ra đến 3 cái nhánh: một là nhạc trữ tình, hai là nhạc cách mạng, và ba là nhạc thiếu nhi. Ở mảng nào, ông cũng xuất sắc. Đặc biệt, Phạm Tuyên như là một "bảo tàng lịch sử bằng âm thanh". Các sự kiện lớn của đất nước đều in dấu trong âm nhạc của ông. Kể cả những sáng tác về các ngành nghề, ông cũng rất giỏi. Còn riêng ở mảng sáng tác cho trẻ con, có thể nói, các nhạc sĩ của chúng ta đã có nhiều bài hát rất hay. Phạm Tuyên dõi theo sự trưởng thành của các em một cách sát sao bằng âm nhạc. Ông nâng niu các em từ khi các em còn nằm trong lòng mẹ, cho đến lúc đi nhà trẻ, đến trường mầm non, vào lớp một, vào Đội, từng bước trưởng thành, đến lúc giã từ tuổi khăn quàng đỏ để "Tiến lên Đoàn viên"... Có thể nói, đó là một cuốn "từ điển bánh khoal bằng âm nhạc về mọi trạng huống, mọi cung bậc tình cảm trong thế giới tâm hồn các em".
Bằng những cống hiến cả đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian, nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng với danh hiệu "Hiệp sĩ Dế Mèn".
Đại sứ Giải thưởng, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ những điều tâm huyết về Giải thưởng Dế Mèn
- Giải Khát vọng Dế Mèn thứ 5 cũng là giải Khát vọng cuối cùng của mùa giải năm nay thuộc về bộ tranh của họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (13 tuổi).
Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng giám đốc TTXVN và Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lên sân khấu trao giải.
Mẹ của Phạm Hải Nguyên chia sẻ trên sân khấu
Giải Khát vọng Dế Mèn thứ tư thuộc về Có một Trái Đất phẳng trong mắt em (bản thảo tập thơ của Lý Thăng Long).
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục báo chí và nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, thành viên Hội đồng giám khảo lên trao một giải thưởng Dế Mèn dành cho thơ.
Bố tác giả Lý Thăng Long chia sẻ trên sân khấu Dế Mèn
Trao 3 Giải Khát vọng Dế Mèn đầu tiên
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà thơ Trần Đăng Khoa Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo trao cho các tác giả.
Cuốn cổ thư của một mẫu thần (truyện của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, NXB Kim Đồng)
Hai cuốn truyện của Dy Duyên: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu (Đốm Đốm vẽ, NXB Kim Đồng) và Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố (Thanh Vũ vẽ, NXB Kim Đồng)
Trang trại cuối rừng (truyện của Phạm Công Luận, NXB Kim Đồng)
- Nhà báo Nguyễn Thiện Thuật, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức phát biểu:
DANH SÁCH TOP 10 CHUNG KHẢO GIẢI DẾ MÈN LẦN THỨ 6 – 2025
Mùa giải thứ 6 năm 2025 được khởi động từ 14/3/2025, đã xem xét, thẩm định 97 tác phẩm thiếu nhi tiêu biểu được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian năm 2024 - 2025 (cụ thể, từ 1/1/2024 - 20/4/2025). Các tác phẩm này đến từ 2 nguồn: Một là từ các tác giả trực tiếp gửi dự thi; Hai là từ sự đề cử của các nhà xuất bản và lực lượng cộng tác viên thân thiết của báo Thể thao và Văn hóa - những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, những người yêu mến nghệ thuật thiếu nhi và luôn theo dõi sát sao những sáng tác mới nhất.
Từ những tác phẩm này, qua 2 vòng chấm, bộ phận thường trực của Hội đồng giám khảo đã chọn ra Top 10 tác phẩm, chùm tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo.
1. 120 năm lưu lạc của rùa xám đen Hy Lạp (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)
2. À ơi (bản thảo tập thơ của Vũ Thị Thanh Tâm, minh họa: Windy Trúc Hoàng)
3. Bộ tranh của họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (13 tuổi)
4. Có một Trái Đất phẳng trong mắt em (bản thảo tập thơ của Lý Thăng Long)
5. Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá (truyện tranh của nghệ sĩ Quang Thảo và Comicola Studio, NXB Dân trí)
6. Cuốn cổ thư của một mẫu thần (truyện của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, NXB Kim Đồng)
7. Hai cuốn truyện của Dy Duyên: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu (Đốm Đốm vẽ) và Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố (Thanh Vũ vẽ) (NXB Kim Đồng)
8. Khu tập thể đường tàu (truyện vừa của Đặng Ngọc Hưng, NXB Trẻ)
9. Trang trại cuối rừng (truyện của Phạm Công Luận, NXB Kim Đồng) 10. Về quê - Khúc đồng dao của bé (tuyển tập nhạc đa phương tiện của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến, NXB Đại học Sư phạm).
Các đề cử lên nhận hoa và chứng nhận từ BTC
- Lễ trao giải Dế Mèn 2025 sẽ có phần mở màn tràn ngập không khí tươi vui, tự hào với hai nhạc phẩm của chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình sẽ mang đến thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương đất nước. Tiếp nối, ca khúc Ước mơ con nhỏ bé do các cháu thiếu nhi đến từ Câu lạc bộ Ngôi sao nhỏ thể hiện sẽ chạm đến trái tim người nghe bằng sự hồn nhiên, trong trẻo, thể hiện những ước mơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa của các em nhỏ.
Các tiết mục biểu diễn tại Lễ trao Giải thưởng Dế mèn lần 6 - 2025
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 01 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight), các giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), cùng một số Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo, tùy theo tình hình thực tiễn mỗi mùa giải.
Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng; cùng các thành viên là: họa sĩ Thành Chương, PGS-TS Ngô Văn Giá, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, nhà báo Nguyễn Thiện Thuật; và bộ phận thường trực với các gương mặt như nhà thơ Huỳnh Trọng Khang, nhà báo Nguyễn Thanh Bình, giảng viên Nguyễn Hoàng Dương, nhà thơ Yên Khương, giám tuyển Hà Văn Bảy...
Ở mùa giải năm nay, có một tin vui đặc biệt dành cho khán giả yêu mến Dế Mèn, là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chính thức trở thành Đại sứ Truyền cảm hứng của Giải thưởng thiếu nhi uy tín. Với vai trò mới này, sự xuất hiện của anh tại lễ trao giải càng trở nên ý nghĩa.
Trải qua 5 mùa giải đã có 3 giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần lượt được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), Lý Lan (2024) cùng 23 giải Khát vọng Dế Mèn, 4 Tặng thưởng được trao cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 7 tác giả là thiếu nhi.
Xem thêm tin tức Văn hóa TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất