28/05/2025 07:05 GMT+7 | Văn hoá
"Phải cần rất nhiều thời gian để trở thành trẻ thơ"… Câu nói này của danh họa Picasso có lẽ đúng trọn vẹn với cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Một đời, ông sống trẻ thơ, viết nhạc trẻ thơ với những ca khúc bất hủ vượt thời gian, cùng bao thế hệ thiếu nhi Viết Nam lớn lên.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025
Như chính ông vẫn thường "mong cho những bài ca nhỏ của tôi là những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ để mang lại nhiều niềm vui mới cho tuổi thơ trên quê hương tươi đẹp của chúng ta".
Từ những năm tháng duyên nợ
Phạm Tuyên (sinh năm 1930) thuộc thế hệ nhạc sĩ trưởng thành từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Là một sĩ quan trẻ, sau lại là thầy giáo, ông sáng tác nhạc từ rất sớm.
Khi Pháp tấn công lên Việt Bắc, ông tòng quân và theo học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn. Tại đây, ông viết chùm ca khúc phục vụ sinh hoạt: Vào Lục quân, Đường về trại, Đây khóa chuẩn bị tổng phản công... đánh dấu cho sự phát lộ thực sự của năng khiếu nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Tốt nghiệp năm 1950, Phạm Tuyên được điều về làm Đại đội trưởng tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam (Đại Từ, Thái Nguyên). Chính môi trường "thiếu nhi mặc áo lính" này đã nuôi dưỡng mạch cảm hứng sáng tác cho thiếu nhi trong âm nhạc của ông. Những ca khúc như Em vào thiếu sinh quân, Lớp học rừng, Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa... ra đời từ đây, gieo vào tâm hồn trẻ thơ những xúc cảm trong sáng, yêu đời giữa núi rừng kháng chiến, nơi các em tin tưởng "đắp xây ngày mai giữa rừng".
"Có thể nói những bài hát đầu tiên của tôi dành cho đối tượng thiếu nhi được viết ra từ cái môi trường khá đặc biệt này. Đó là một trường học dành cho các em "thiếu nhi mặc áo lính" - nhạc sĩ Phạm Tuyên giãi bày - "Và từ đây trở đi, duyên nợ của tôi đối với lứa tuổi thiếu nhi cứ dần dần được bền chặt hơn, có ý thức hơn".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong vòng tay thiếu nhi
Sau Chiến dịch Biên giới, từ năm 1951, Trường Thiếu sinh quân Việt Nam rời sang Quế Lâm (Trung Quốc), trở thành Trường Thiếu nhi Việt Nam, rồi Khu học xá Trung ương tại Nam Ninh - là trung tâm đào tạo những tri thức tương lai cho đất nước hòa bình sau này, trực thuộc Bộ Giáo dục. Từ đây, Phạm Tuyên rời quân ngũ, trở thành giáo viên văn hóa, phụ trách mảng Văn - Thể - Mĩ tại khu học xá.
Đáng nói, nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của Phạm Tuyên ra đời trong thời kì này (1951 - 1958) như: Ngày em được quàng khăn đỏ, Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Em làm trực nhật, Em vui chơi ngày hôm nay... Có thể nói những năm tháng ở Trường Thiếu sinh quân Việt Nam và Khu học xá Trung ương, một "thời thanh niên sôi nổi", đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp âm nhạc thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong suốt cuộc đời sáng tác sau này.
Đến "nhạc sĩ của tuổi thơ"
"Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một cuốn từ điển bách khoa bằng âm nhạc về mọi trạng huống, mọi cung bậc tình cảm trong thế giới tâm hồn các em" - NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA.
Viết ca khúc cho thiếu nhi từ những ngày đầu sáng tác, song những năm chiến tranh, nhạc sĩ Phạm Tuyên dường như dồn tâm sức cho những đề tài nóng bỏng. Phải bắt đầu từ năm Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc, nhạc sĩ mới trở lại với những giai điệu tuổi thơ với các ca khúc: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Cháu yêu chú thương binh, Đêm pháo hoa, Trường cháu là trường mầm non... Đặc biệt, từ sau Hiệp định Paris năm 1973, miền Bắc im tiếng bom, mạch viết cho thiếu nhi của ông tuôn trào mạnh mẽ. Giai đoạn này, các ca khúc thiếu nhi chiếm tới khoảng 1/3 tổng gia tài âm nhạc của Phạm Tuyên.
Từ những tác phẩm đầu tay viết tặng thiếu sinh quân cho đến cả cuộc đời sáng tác, trẻ em vẫn là đối tượng được Phạm Tuyên đặc biệt quan tâm. Nhạc sĩ hiểu rằng ca hát là một nhu cầu thiết yếu với trẻ nhỏ, nên đã dồn nhiều tâm huyết để sáng tác những bài hát vừa dễ nhớ, dễ hát, lại mang giá trị giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (phải) và nhạc sĩ Lý Trọng Hưng tại Khu học xá Trung ương
Theo ông, ở lứa tuổi mà thế giới tinh thần phát triển mạnh, trẻ em cần những món ăn tinh thần lành mạnh để hình thành tâm hồn phong phú và cao đẹp. Đó phải là những tác phẩm nghệ thuật đích thực giàu tính thẩm mỹ và có tác dụng giáo dục cao.
Bởi thế, trong gia tài đồ sộ các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cho trẻ em, ta luôn bắt gặp một thế giới ngập tràn lý tưởng và yêu thương. Đó là khát vọng hướng đến cái đẹp, cái cao cả như trong: Tiến lên đoàn viên, Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong, Tự hào là em các anh, Cánh chim Điện Biên… Là tình bạn, tình đồng đội gắn bó qua Mùa Xuân - tình bạn, Gặp nhau dưới trời Thu Hà Nội… Là tình yêu quê hương, thiên nhiên tươi đẹp như Hoa phượng đỏ, Trăng ơi từ đâu đến, Về miền cổ tích… Là sự gắn bó thiêng liêng với mái nhà, mẹ cha, thầy cô qua Gió từ tay mẹ, Tháng Tư năm ấy bố về, Bàn tay cô giáo…
Không chỉ khơi dậy lý tưởng, ông còn chăm chút giáo dục lòng yêu lao động cho các em nhỏ qua các ca khúc: Em ra vườn rau, Em làm trực nhật, Những bàn tay vàng, Bầy chim ngoan... Nhưng nhiều hơn hết là những ca khúc nói về sinh hoạt, vui chơi của chính các em như: Chiếc đèn ông sao, Em vui chơi ngày hôm nay, Múa sư tử thật là vui, Hoa loa kèn thổi kèn chiến thắng...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (thứ 3 từ phải sang) cùng các đồng đội tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam tại Việt Bắc
Cứ như thế bằng tình yêu và thấu hiểu tâm hồn trẻ thơ, nhạc của Phạm Tuyên hồn nhiên, trong sáng, giản dị và đằm thắm. Với hình tượng nghệ thuật đẹp, phù hợp với từng độ tuổi, nhiều bài ca của ông đã trở thành những câu hát cửa miệng của tuổi thơ trong cả nước, tới mức người ta không còn biết bài hát được viết từ lúc nào và tác giả của nó là ai.
Có thể nói không quá lời, từ những năm 1950 đến nay, hầu hết trẻ em Việt Nam đều đã từng nghe, từng hát các ca khúc của Phạm Tuyên với những ca khúc thật nổi tiếng như: Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan, Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở Bản Đôn...
Như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa, nghe những giai điệu Phạm Tuyên sáng tạo cho các em, ta thấy ông rất yêu quý con trẻ.
"Không chỉ yêu quý, ông còn sùng kính chúng nữa. Ông nâng niu các em từ khi các em còn nằm trong lòng mẹ: "Đôi làn môi con/ Nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ/ Nghiêng về phù sa", cho đến lúc đi nhà trẻ, đến trường mầm non, vào lớp 1, vào Đội, rồi từng bước trưởng thành, cho đến lúc giã từ tuổi khăn quàng đỏ để Tiến lên đoàn viên" - ông Khoa nhấn mạnh - "Có thể nói, đó là một cuốn từ điển bách khoa bằng âm nhạc về mọi trạng huống, mọi cung bậc tình cảm trong thế giới tâm hồn các em".
Như một tổng kết xác đáng, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: "Sự nghiệp của Phạm Tuyên là một đại thụ có rất nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ và sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành hiến dâng cho con trẻ. Và riêng mảng ca khúc viết cho thiếu nhi này, cũng đã đủ là một sự nghiệp lớn mà không phải ai cũng có được".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên vui hát ca cùng các em thiếu nhi
Trăn trở với những khúc đồng dao
Cũng là sáng tác cho tuổi thơ, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn chú tâm đến một mảng đề tài thú vị và cần thiết cho các em: Phổ nhạc các bài đồng dao cổ vốn rất phong phú trong văn hóa dân gian Việt Nam. Mối quan tâm này bắt nguồn từ những trăn trở sâu sắc của ông về thực trạng ca khúc thiếu nhi: Trẻ em yêu thích ca hát, nhưng lại thiếu những bài hát thật sự gần gũi, sinh động và phù hợp với thế giới tuổi thơ.
"Có đi sâu vào sinh hoạt đời thường của trẻ, được nghe chúng "cải biên" lời ca của những ca khúc nổi tiếng, nghe những câu vè hiện đại mà từ vần nọ móc sang vần kia một cách bất ngờ mà cũng rất thông minh thì mới thấy sốt ruột về sự đơn điệu, làm duyên không đúng chỗ của những ca khúc viết cho trẻ em gần đây" - nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm tư - "Cách viết, cách tư duy ở một số bài chỉ có thể dẫn các em tới chỗ bắt chước cách trình diễn của người lớn cũng đong đưa làm điệu, cũng lâm ly một cách hình thức hoặc nếu có là những ca khúc tập thể thì cũng bị hát một cách miễn cưỡng, khô khan".
Bản nhạc bài đồng dao “Bầu và bí” của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong sách “Về quê - Khúc đồng dao của bé”
Vì thế, từ nhiều năm trước, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tìm đến sinh hoạt đời thường của trẻ, từ mẫu giáo tới thiếu niên nhi đồng, để quan sát, lắng nghe và tìm cách viết sao cho các em thực sự yêu thích. Ông đặc biệt chú ý đến đồng dao, hình thức diễn xướng dân gian mang tính kế thừa từ lời ru của mẹ, nơi trẻ em chủ động sáng tạo trong lời hát và trò chơi.
Theo ông, "chỉ cần đọc những câu đồng dao theo nhịp điệu nhất định đã có thể hiện lên cả một môi trường Việt Nam từ cây cau, cây trầu, quả bầu, quả bí đến những con mèo, con trâu, con cua, con cá… Những đạo lý làm người rất Việt Nam cũng như các ứng xử, các giao tiếp rất Việt Nam, không những không lẫn với bất cứ dân tộc, đất nước nào trên thế giới, mà vẫn mang ý nghĩa thực tiễn đối với đời sống đương đại ngày hôm nay".
Trân trọng những giá trị ấy, ông bắt tay phổ nhạc một số bài đồng dao cổ, giữ nguyên lời gốc, vận dụng khúc thức ngắn gọn, dễ nhớ, kết hợp tiết tấu phù hợp với nội dung từng bài. Nhạc sĩ cũng linh hoạt sử dụng các điệu thức dân gian ở nhiều vùng miền để tăng tính hấp dẫn. Qua quá trình thể nghiệm và tự mình phổ biến tại các cơ sở giáo dục trong Nam, ngoài Bắc và cả vùng miền núi, ông nhận thấy các em nhỏ đón nhận rất nhiệt tình. Nhiều bài hát phổ từ đồng dao đã trở thành quen thuộc trong đời sống tinh thần của thiếu nhi.
Những khúc đồng dao như Bà Còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Con chim chích chòe, Cái bống là cái bống bình, Cái cò đi đón cơn mưa, Mau mau tỉnh dậy, Tu hú là chú bồ các… là minh chứng. Đến nay, những khúc đồng dao này vẫn được các em nhỏ mẫu giáo, nhà trẻ trên cả nước yêu thích, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc tuổi thơ Việt Nam.
Từ những lớp học thiếu sinh quân giữa rừng kháng chiến đến những khúc đồng dao thân thương gọi ký ức về, âm nhạc thiếu nhi của Phạm Tuyên không chỉ là những giai điệu, ca từ, mà là cả một thế giới tuổi thơ được dệt từ "những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ". Để rồi, xứng danh "nhạc sĩ của tuổi thơ", di sản âm nhạc của Phạm Tuyên sống mãi và tiếp tục lớn lên cùng bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Với đóng góp to lớn trong việc nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam bằng hàng trăm ca khúc giàu thẩm mỹ và ý nghĩa giáo dục, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Huy hiệu Vì thế hệ trẻ và Huy chương Danh dự. Ông cũng là người có nhiều tác phẩm nhất lọt vào danh sách 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Gần nhất, vào năm 2013, ông đã xác lập kỷ lục "Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất