11/05/2025 15:30 GMT+7 | Văn hoá
"Động lực mới cho phát triển kinh tế" là tên gọi bài viết mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Trong đó, liên quan tới những công tác cấp bách để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68-NQ/TW (được Bộ Chính trị ban hành ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân), Tổng Bí thư chỉ đạo:"Xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; được bảo vệ, khuyến khích, tôn vinh và tham gia thực chất vào quá trình hoạch định chính sách".
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Và Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu quan trọng: "Bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích, tôn vinh đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho đất nước, có kiến thức và năng lực quản trị kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xã hội".
***
Nhìn lại, khái niệm "doanh nhân" tại Việt Nam mới chỉ trở thành một định doanh quen thuộc từ vài chục năm nay. Nhưng chắc chắn, trên tư cách một lực lượng xã hội, tầng lớp làm kinh tế tư nhân đã tồn tại từ rất lâu trong quá khứ.
Đơn cử, vào thế kỷ 17 - 18, các sử liệu vẫn ghi lại cảnh buôn bán tấp nập ở những thương cảng lớn như Phố Hiến (Hưng Yên) và Hội An (Quảng Nam). Tại đó, giao dịch giữa các tầng lớp lao động phi nông nghiệp diễn ra giữa người Việt Nam chúng ta với người Hoa, người Nhật và cả các thương nhân từ Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…
Để rồi, tới nửa sau thế kỷ 19, khi người Pháp tới Việt Nam và du nhập các yếu tố về quản trị, tài chính, thị trường hiện đại…, tầng lớp thương nhân đi lên từ làng xã của chúng ta đã dần phát triển thành một lực lượng tư sản dân tộc, non trẻ nhưng đầy khát vọng.
Bất chấp sự chèn ép từ giới tư bản Pháp, nhiều doanh nhân Việt Nam khi đó vẫn vươn lên mạnh mẽ, theo đuổi giấc mơ xây dựng những thương hiệu, nhà máy, đội tàu… để cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.
Giai đoạn ấy, "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi là câu chuyện tiêu biểu cả ở góc độ làm kinh tế lẫn truyền cảm hứng dân tộc trong kinh doanh: Mỗi con tàu mua lại từ tay đối thủ ngoại quốc đều được Bạch Thái Bưởi đặt tên là Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Lê Lợi… như một cách gửi gắm tinh thần dân tộc của mình.
Lịch sử cũng ghi nhận: Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết thư cho giới công thương và nhấn mạnh:"Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".
Trên thực tế, ở giai đoạn đó, chúng ta cũng có những nhà tư sản dân tộc đầy tinh thần ái quốc như Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… - những người đã cống hiến phần lớn tài sản để chia sẻ, đồng hành với một chính quyền còn non trẻ.
Và rồi, sau những thăng trầm do điều kiện chiến tranh và những lựa chọn chính sách mang tính đặc thù của từng giai đoạn, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân lại bắt đầu một hành trình thử thách khác trong thời kỳ đổi mới vài chục năm qua.
Ở đó, kể từ khi hội nhập quốc tế, mỗi hiệp định thương mại mới được ký kết là một phép thử với doanh nhân Việt Nam - từ AFTA, WTO, đến hàng loạt FTA song phương và đa phương. Và thực tế cho thấy: Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp để vươn lên phát triển.
***
Từ câu chuyện của một tầng lớp từng đồng hành cùng dân tộc, với tất cả những đóng góp và thăng trầm theo dòng lịch sử, chúng ta sẽ không đơn thuần nhìn thấy ở bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm những chỉ đạo mang tính chính sách. Xa hơn, đó là sự tái định nghĩa vai trò của doanh nhân trong cấu trúc phát triển của một quốc gia hiện đại.
Ở đây, Tổng Bí thư đã sử dụng khái niệm "chiến sĩ" để gọi tên đội ngũ doanh nhân - những người xuất hiện trên một một mặt trận không súng đạn, nhưng đầy cạnh tranh, rủi ro và áp lực từ những yếu tố như toàn cầu hóa, chuyển đổi số hay dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Các đại biểu trải nghiệm về chuyển đổi số tại diễn đàn quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Hà Anh - TTXVN phát
Đó không chỉ là một hình ảnh mang tính biểu tượng, mà còn là một sự định vị rõ ràng và tương xứng với trách nhiệm thực tiễn đang được doanh nhân gánh vác: Họ là những người góp phần giữ nhịp sản xuất, tạo dựng việc làm, xây dựng thương hiệu - và trong nhiều trường hợp, đưa cái tên Việt Nam vươn xa trên thế giới.
Và khi Tổng Bí thư nhấn mạnh doanh nhân cần "tham gia thực chất vào quá trình hoạch định chính sách", đây là sự gợi mở về một bước tiến mới trong mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, với tư duy cùng kiến tạo.
Việc trao cơ chế để doanh nhân được có tiếng nói từ đầu, được đồng hành xây dựng ngay khi chính sách còn ở giai đoạn phôi thai… chính là lời khẳng định: Hiệu quả của các chính sách không thể tách rời thực tiễn vận hành. Và, thực tiễn ấy chính là môi trường nơi các doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động, thích ứng và sáng tạo mỗi ngày.
Có nghĩa, những thay đổi cần đến từ 2 phía: Doanh nhân phải chủ động, tích cực đóng góp xây dựng chính sách - không chỉ vì mình, mà còn vì một hệ sinh thái thị trường lành mạnh. Ngược lại, Nhà nước cần có một không gian pháp lý đủ mở, đủ tin cậy để tôn trọng, tiếp nhận đóng góp và phản biện từ doanh nhân như một phần không thể thiếu trong quy trình hoạch định, vận hành chính sách.
Cũng bởi thế, trong bài viết, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh những phẩm chất cần thiết của đội ngũ doanh nhân: Yêu nước, có tinh thần dân tộc, khát vọng vươn lên, có năng lực, có trách nhiệm xã hội. Bởi, những phẩm chất ấy cũng chính là thước đo, là tiêu chí để Nhà nước và nhân dân trao gửi lòng tin cho doanh nhân một cách xứng đáng.
Từ những thương cảng Phố Hiến, Hội An của Việt Nam xưa tới những sàn giao dịch quốc tế hay trung tâm đổi mới sáng tạo hôm nay, từ những Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô của thế kỷ 20 tới một thế hệ đầy khát vọng của thế kỷ 21, lịch sử doanh nhân Việt Nam là một dòng chảy xuyên suốt chưa từng gián đoạn.
Với dòng chảy ấy, đã tới lúc doanh nhân cần được xác lập vai trò như một nhân tố nòng cốt, trong chiến lược phát triển của một quốc gia muốn lớn mạnh bằng niềm tin, sự đồng hành và chia sẻ trách nhiệm chung.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất