Kỳ vọng về những biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô

27/05/2025 09:10 GMT+7 | Văn hoá

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, kết tinh từ chiều sâu lịch sử và hồn cốt của đất Thăng Long xưa. Việc lồng ghép yếu tố văn hóa vào thiết kế kiến trúc không chỉ tái hiện giá trị truyền thống trong diện mạo hiện đại, mà còn khiến văn hóa trở thành một phần sống động của đời sống đô thị.

Những công trình tầm vóc đang từng bước định hình diện mạo mới cho Hà Nội - hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Từ cầu Nhật Tân vươn mình như dải lụa nối đôi bờ sông Hồng đến Trung tâm Triển lãm quốc gia hiện đại bậc nhất khu vực, hay Nhà hát Opera Hà Nội - biểu tượng nghệ thuật đương đại giữa lòng đô thị sáng tạo… Tất cả không chỉ là dấu ấn kiến trúc mà còn là tuyên ngôn văn hóa của một Thủ đô hội nhập nhưng không lạc mất cội nguồn.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng văn hóa, kiến trúc

Khánh thành tháng 1/2015, cầu Nhật Tân không chỉ là công trình giao thông trọng điểm mà còn là biểu tượng văn hóa - kiến trúc đậm chất thời đại. Với kiến trúc dây văng nhiều nhịp và 5 trụ tháp hình thoi tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội. Cây cầu là điểm nhấn nổi bật trong không gian đô thị hiện đại.

"Cửa ngõ quốc tế mới sẽ tăng cường kết nối Hà Nội với quốc tế, nâng cao năng lực vận chuyển từ sân bay tới trung tâm thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam" - ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam nhận định trước khi cầu được khởi công.

Tọa lạc tại vị trí chiến lược nối liền trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, cầu Nhật Tân góp phần mở rộng không gian đô thị phía Bắc sông Hồng và là minh chứng sống động cho hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam -Nhật Bản. Các công nghệ thi công hiện đại lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như vòng vây cọc ống thép, hệ thống quan trắc tự động đã tạo nên cây cầu bền vững, hiện đại và giàu thẩm mỹ.

Về đêm với hơn 1.000 đèn LED đổi màu, cầu Nhật Tân khoác lên diện mạo lung linh, như những cánh tay đón chào khách quốc tế. Không gian dưới chân cầu gắn liền với làng đào Nhật Tân - nơi lưu giữ Tết cổ truyền tạo nên sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thiên nhiên và công nghệ.

Từ hình dáng kiến trúc, công năng sử dụng đến giá trị biểu tượng, cầu Nhật Tân đã vượt ra khỏi chức năng của một cây cầu thông thường để trở thành biểu tượng cho khát vọng vươn lên nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của Thủ đô trong thời kỳ mới.

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - nơi kết nối sáng tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ thi công dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia. Ảnh: TTXVN

Các công trình văn hóa trở thành hạt nhân của công nghiệp sáng tạo, là điểm đến du lịch mang dấu ấn riêng. Trên tinh thần đó, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh được xây dựng mô phỏng hình tượng thần Kim Quy là một dự án trọng điểm, phục vụ thương mại dịch vụ, mang đậm bản sắc văn hóa. Với quy mô và kiến trúc hiện đại hàng đầu khu vực, công trình kỳ vọng trở thành trung tâm hội chợ, triển lãm hàng đầu, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ văn hóa, kinh tế toàn cầu.

Điểm nhấn kiến trúc là khối nhà triển lãm chính mô phỏng thần Kim Quy với 9 phân khu tổng diện tích trên 130.000m2, 4 khu công viên ngoài trời rộng hơn 20 ha và nhiều hạng mục phụ trợ. Không gian cảnh quan bên ngoài là công viên Nỏ Thần - nơi tái hiện truyền thuyết An Dương Vương với thiết kế hình chiếc nỏ và 6 chiếc nỏ nhỏ bài trí hài hòa trong khuôn viên.

Kỳ vọng về những biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô - Ảnh 2.

Công viên Nỏ thần trong khuôn viên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tại buổi kiểm tra tiến độ ngày 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức các sự kiện lớn tại đây sẽ giúp hình thành trung tâm triển lãm, hội chợ tầm cỡ quốc tế, xứng tầm văn hóa - lịch sử dân tộc; điểm đến du lịch đặc sắc thu hút bạn bè quốc tế. Trung tâm sẽ là không gian văn hóa sống động, nơi trưng bày thành tựu, tổ chức nghệ thuật, kết nối sáng tạo, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng, hội tụ, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, dân tộc hóa giá trị văn hóa thế giới và quốc tế hóa bản sắc văn hóa Việt Nam.

Với quy mô 90 ha thuộc tốp 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, công trình dự kiến khánh thành vào dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).

Nhà hát Opera Hà Nội - hội tụ nghệ thuật đỉnh cao trong nước và quốc tế

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, sự xuất hiện của các công trình "na ná nhau" khiến bản sắc dễ bị lu mờ. Những công trình văn hóa như Nhà hát Lớn, bảo tàng, quảng trường… không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn khẳng định đặc trưng của Thủ đô không chỉ bằng quy mô hay công nghệ, mà bằng chiều sâu văn hóa, không thể sao chép.

Một biểu tượng văn hóa mới - Nhà hát Opera Hà Nội đang dần hiện thực hóa từ những phác thảo đầu tiên, hứa hẹn trở thành điểm nhấn không gian tương lai. Theo đồ án quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 26/11/2024, công trình có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho văn hóa Thủ đô.

Nằm bên Đầm Trị (quận Tây Hồ), nhà hát không chỉ có quy mô lớn mà còn là nơi truyền thống hội tụ với hiện đại, quá khứ gặp gỡ tương lai. Tác giả thiết kế là kiến trúc sư danh tiếng người Italy -  Renzo Piano lấy cảm hứng từ vẻ đẹp nội sinh của vùng đất Tây Hồ. Mái vòm nhà hát mô phỏng những gợn sóng lăn tăn, phủ lớp vật liệu tạo hiệu ứng "ngọc trai lấp lánh" thay đổi sắc độ theo ánh sáng tự nhiên vừa mềm mại, thi vị vừa thể hiện tinh thần Hà Nội: sâu lắng mà hiện đại, cổ kính mà đổi mới.

Không gian xung quanh được quy hoạch mở, giữ nguyên các di tích cổ như chùa Hoằng Ân, chùa Phổ Linh, đền Kim Ngưu, Phủ Tây Hồ trong cảnh quan xanh mát. Các trục đi bộ kết nối nhà hát với bảo tàng, quảng trường, vườn điêu khắc… tạo nên quần thể văn hóa - lịch sử hài hòa, gắn kết cộng đồng.

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị nhận định: "Nhà hát Opera Hà Nội hàm chứa sự mới mẻ, gắn bó kiến trúc và giá trị văn hóa trừu tượng, lịch sử sâu đậm. Nhà hát đi đúng con đường phát triển thời đại với xu hướng kiến trúc xanh, không gian xanh".

Từ thiết kế đến cảnh quan, công trình khẳng định khát vọng vươn lên của Hà Nội - một đô thị sáng tạo, văn minh, hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc. Nhà hát được kỳ vọng là điểm hội tụ nghệ thuật đỉnh cao trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thiết kế công trình gắn với văn hóa không chỉ là bài toán kiến trúc, mà là cách Hà Nội kể lại câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ hiện đại - một Thủ đô ngàn năm văn hiến, vững vàng trong dòng chảy hội nhập toàn cầu. Khi công trình mới biết "đối thoại" với quá khứ, đó là lúc Hà Nội thể hiện tầm nhìn dài hạn, phát triển bền vững. Từ những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa ấy, diện mạo Thủ đô đang dần được khắc họa bằng vẻ đẹp của sự tiếp nối, nơi truyền thống và hiện đại cùng hòa quyện, làm nên bản sắc riêng có của Hà Nội hôm nay và mai sau.

Tuyết Mai - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm