Cân nhắc kỹ việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy, tham nhũng

20/05/2025 18:32 GMT+7 | Tin tức 24h

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự chiều 20/5.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng và không bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy, tham nhũng, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

* Đảm bảo nhân đạo, vẫn giữ tính răn đe

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật với các luật có liên quan đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trong dự thảo luật, bổ sung hình phạt tù chung thân, không xét giảm án các tội bỏ hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo, ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS..., đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, quy định này đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu tránh oan sai trong tố tụng hình sự; tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm hình phạt tử hình và khắc phục khó khăn, vướng mắc của thực tiễn áp dụng hình phạt này trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, quy định này đáp ứng nhu cầu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, hình sự; đồng thời góp phần khắc phục hạn chế các bất cập trong quy định áp dụng hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.

Cân nhắc kỹ việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy, tham nhũng - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

"Hiện nay việc áp dụng khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình còn bất cập trong nhiều trường hợp. Căn cứ tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, nếu phạt tù chung thân thì quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, nếu phạt tử hình thì lại quá nặng, không phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước về hạn chế áp dụng việc thi hành hình phạt tử hình", đại biểu Lê Nhật Thành nói thêm.

Theo đại biểu, việc không thi hành án tử hình đối với những người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, đồng thời góp phần giảm thủ tục tố tụng cần thiết đối với người không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, giúp tiết kiệm chi phí và giảm áp lực cho cơ quan thi hành án. Những tội danh được bỏ hình phạt tử hình sẽ được thay thế bằng hình phạt tù chung thân, không xét giảm án, một mặt bảo đảm quyền sống con người nhưng mặt khác vẫn đảm bảo cách ly vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống xã hội.

Thống nhất cao với việc bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong vấn đề giải quyết, tuyên chiến với vấn nạn này.

Trong khi đó, đối tượng tội phạm ma túy có rất nhiều hành vi như sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng... nhưng dự thảo luật quy định giảm cho hành vi vận chuyển. Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng: "Vận chuyện vài tép, vài gam, thậm chí vài tấn, tác hại đều rất kinh khủng. Do đó, vẫn phải có hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển ma túy và đề nghị phân hóa mức án cao hơn".

Riêng tội sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, đối tượng sử dụng ma túy là nguồn gốc và sinh ra nhiều tội phạm khác như trộm cắp, giết người... nên cần phải xử lý hình sự.

* Đề xuất không bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy, tham nhũng

Qua thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đều bày tỏ tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo, ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS...; đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh để tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện nay vẫn rất phức tạp, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng tinh vi với nhiều hình thức buôn bán, vận chuyển mới, số lượng ma túy vận chuyển thường rất lớn, có thể gây nguy hại cho nhiều người. Ngoài ra, tâm lý xã hội vẫn mong muốn giữ tử hình để răn đe.

Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên bỏ ngay hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, có thể thu hẹp phạm vi áp dụng: chỉ áp dụng hình phạt tử hình với hành vi đặc biệt nghiêm trọng (khối lượng lớn, tái phạm, tổ chức chuyên nghiệp...); đồng thời tăng cường phân định, làm rõ trách nhiệm giữa người cầm đầu và người bị lợi dụng.

Cân nhắc kỹ việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội ma túy, tham nhũng - Ảnh 2.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Long, Sơn La, Long An và Bắc Kạn thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho rằng, thời gian qua, cơ quan điều tra đã đấu tranh rất quyết liệt đối với loại tội phạm ma túy nhưng tình hình vẫn chưa được như mong muốn. "Chúng ta duy trì án tử hình nhưng số lượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng tăng. Nếu bỏ tội này, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy", đại biểu nêu băn khoăn.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cũng hết sức cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ trong bối cảnh tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực tiễn đấu tranh, xử lý loại tội phạm này cho thấy, việc quy định hình phạt tử hình trong các tội về tham nhũng có tác dụng răn đe cao và đạt hiệu quả xử lý. Hầu hết số người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội tham nhũng có khung hình phạt tử hình đều rất tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện cố gắng cao trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại.

Dẫn vụ án Vạn Thịnh Phát và việc xử lý tài sản, khắc phục hậu quả của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đặt câu hỏi: Nếu các đối tượng biết phạm tội nhưng không bị kết án tử hình thì liệu hiệu quả thu hồi tài sản có đạt như mong muốn?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ băn khoăn với việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy và sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: "Trên thực tế, việc xảy ra các tội này ít đi, tình hình khá hơn thì sẽ cân nhắc giảm án. Nhưng nếu tình hình ngày càng căng thẳng, ngày càng có nhiều nguy cơ và luật xử tới mức đó rồi mà vẫn chưa sợ thì một trong những giải pháp hay tìm đến phải là tăng mức phạt".

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho rằng, trong nhóm các tội về hàng giả, việc sản xuất thuốc giả phải có mức phạt cao hơn so với các loại hàng giả khác do tính chất nghiêm hại.

Xem thêm Tin tức TẠI ĐÂY

Diệp Trương - TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm