19/05/2025 14:03 GMT+7 | Bóng đá Anh
Có một giai thoại nổi tiếng về chuyện Malcolm Glazer đã mỉa mai con trai chỉ vì phung phí mua một chiếc quần hiệu Hugo Boss có trị giá chỉ khoảng 200 USD. Câu chuyện này vừa được kể lại trên tờ The Athletic nhân dịp tròn 20 năm gia đình tỷ phú người Mỹ này tiếp quản CLB Manchester United.
Mặc dù Tampa Bay Buccaneers của nhà Glazer đã giành chức vô địch Super Bowl năm 2003 và là một thế lực đáng gờm của NFL, tình yêu thể thao của Malcolm không bao giờ thực sự được bộc lộ rõ ràng. St. John Allen, một nhà báo đã từng gặp người đứng đầu gia đình Glazer để triển khai một dự án sách vào năm 2000, tiết lộ về cuộc nói chuyện của ông với Malcolm.
Glazer đã sở hữu Buccaneers được 5 năm vào thời điểm đó, nhưng St. John nói với The Athletic: "Tôi không nhớ chúng tôi có nói gì đó về bóng bầu dục Mỹ cả. Ông ấy không nói, 'Đây là lý do tôi yêu đội bóng'. Hầu hết chủ sở hữu các đội thể thao thích nói về đội của họ".
"Malcolm điều khiển cuộc họp. Ông ấy có ý tưởng về những câu chuyện muốn kể, các phi vụ kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Ông ấy nói về cuộc đời đầu tiên, quay lại thời Đại suy thoái, và dường như rất tự hào về đạo đức làm việc, sự khó khăn của mình. Đó là điều mà giờ chúng ta thấy là kỳ lạ. Nhưng ông ấy đã chứng minh sự thông minh, tiết kiệm, và sáng tạo.
Rồi St John kể lại một câu chuyện kỳ lạ. "Một nhân viên mang lên một đôi quần của Bryan từ tiệm giặt là. Nó thu hút sự chú ý của Malcolm. Ông ta nói, 'Đó là quần Hugo Boss, anh biết chúng giá bao nhiêu không? 200 USD. Nhưng tôi thích quần của tôi hơn', và ông chỉ vào chúng. 'Tôi mua ở JC Penny (một chuỗi cửa hàng quần áo giá rẻ khá nổi tiếng ở Mỹ), 19,95 USD, và tôi vẫn nhớ cảm giác khi tôi không thể trả nổi 20 USD'.
"Tôi nhớ mình cảm thấy khá tệ thay cho Bryan. Cha tôi có thể đùa như vậy tại một buổi tụ họp gia đình, nhưng không phải trong một cuộc họp kinh doanh với người lạ. Bryan có vẻ hơi ngượng. Chúng tôi cùng độ tuổi - khi đó cả hai đều quá 30 (tuổi)", St. Allen kể lại.
Mặc dù đã tính toán vô cùng chi li để giành quyền kiểm soát Manchester United, Malcolm Glazer được cho là chưa bao giờ đặt chân đến Old Trafford, trên thực tế.
Sir Alex Ferguson (trái) và Bryan Glazer (phải) trong một chuyến du đấu của MU tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Getty.
Người đứng đầu gia đình Glazer qua đời vào ngày 28/5/2014, và để lại những khoảng trống thông tin về mối liên hệ với CLB ông ta đã thâu tóm. Dấu vết truyền thông duy nhất từ gia đình Glazer là cuộc phỏng vấn của Joel với MUTV từ chuyến thăm Old Trafford vào tháng 6/2005, nơi ông ta nhấn mạnh rằng việc giao tiếp với người hâm mộ là "cực kỳ quan trọng". "Người hâm mộ là huyết mạch của câu lạc bộ. Mọi người muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi sẽ giao tiếp" - nguyên văn lời Joel.
Thay vào đó, khi United nộp báo cáo tài chính 1 năm sau, ghi chú kèm theo từ Tehsin Nayani, nhân viên PR của nhà Glazer lúc đó, viết: "Sẽ không có thông cáo báo chí, không có cuộc họp báo, không có phỏng vấn gì cả".
Sau 2 thập kỷ thuộc về nhà Glazer, nếu bạn đọc xong câu chuyện về chiếc quần Hugo Boss, bạn rốt cục đã hiểu vì sao đội bóng rơi vào tình thế hiện tại: Nợ như chúa chổm, cơ sở vật chất xuống cấp, và thành tích lẫn chuyên môn thì chẳng ra sao. Malcolm Glazer đã thâu tóm đội bóng này đúng với ký ức "tôi vẫn nhớ về khi không trả nổi 20 USD ra sao". MU là một thương vụ làm ăn với góc nhìn lợi nhuận tối đa. Không có tình cảm gì trong đó.
Vào khoảnh khắc ngay sau khi Wayne Rooney ghi bàn giúp Manchester United dẫn trước Debrecen trong trận đấu tại Champions League vào một buổi tối tháng 8 ấm áp năm 2005, Bryan, người mua chiếc quần Hugo Boss với giá 200 USD, đã buột miệng hỏi: "Vấn đề ở đây là quả bóng sẽ được dùng làm gì nhỉ?"
"Anh ta nghĩ rằng, như trong bóng chày hay bóng bầu dục Mỹ, 'Chắc hẳn họ có rất nhiều quả bóng', và khi ghi được một cú home run hoặc touchdown, nó trở thành một món đồ", giám đốc điều hành David Gill kể lại. "Khái niệm đó không áp dụng được ở Anh". Gill trả lời Bryan: 'Họ đặt bóng lại vạch giữa sân và chúng ta bắt đầu lại'. Sau đó là sự ngơ ngác trên khuôn mặt mọi người. Chúng tôi thực sự không biết phải làm gì. Không phải mọi người cười nhạo họ. Mà là không hiểu nhau".
Đấy chính là thời điểm phơi bày bản chất của thương vụ này, và giải thích 20 năm cùng khổ của CLB: Những người Anh vẫn còn nghĩ về bóng đá với tư cách một môn thể thao. Với nhà Glazer, một quả bóng đã vào lưới vẫn có thể trở thành một sản phẩm tiếp thị "ra tiền", không phải để đặt lại vào vạch giữa sân.
Và những gì xảy ra ở MU đến từ chính kiểu tư duy này: Sự tiết kiệm cùng cực của ông bố Malcolm và nhìn cái gì cũng để làm tiền của người con Bryan. Họ đối xử với MU không khác gì một cái quần.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất